Câu chuyện về hành trình yêu thương của một chuyến xe

7 tiếng đồng hồ với 3 lần chuyển xe để đưa bệnh nhân từ Hà Nội về Sông Mã (Sơn La), câu chuyện ấm lòng giữa mùa dịch của nhóm Những chuyến xe yêu thương một lần nữa khiến người ta tin vào những điều tốt đẹp ở đời.

Dịch dã diễn biến phức tạp, đi lại cũng khó khăn lắm chứ. Đôi khi có muốn tốn kém để mà giải quyết việc của mình, để mà giúp người khác mà cũng không dễ dàng. Đã từng thông báo rằng, các chuyến xe yêu thương sẽ tạm dừng để qua cái đận dịch dã này… thế nhưng cứ có lời khẩn cầu, cứ có những tha thiết mong đợi là các anh, các chị lại lên đường.

Trong thời điểm hiện nay, bất cứ chuyến xe nào xuất phát từ Hà Nội đến các tỉnh dù xa hay gần đều khó khăn gấp bội. 19 giờ 54 phút ngày 31-7, lời khẩn cầu của người phụ nữ dân tộc huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, Lò Thiết xuất hiện trên nhóm. Rằng con của chị đã xuất viện được 3 ngày mà không có điều kiện thuê xe về quê. Lòng người mẹ như lửa đốt, đất khách quê người ở một ngày là tốn thêm bao nhiêu chi phí, trong khi đó hai đứa con nhỏ ở nhà lại đang tá túc nhà ông bà. Cái chị cần là một chuyến xe…

Sơn La khó lên lắm, các chốt chỗ nào cũng làm chặt. Thế nhưng rất nhanh chóng, một “phương án tác chiến” được các thành viên trong nhóm phối hợp đưa ra. Anh Nguyễn Bình Minh ở đầu Hà Nội đón mẹ con chị Thiết và đưa đến Từ Sơn (Bắc Ninh), chị Lê Thị Nhung đón tại chốt và đưa tiếp lên thị trấn Vân Hồ (Sơn La), chị Hiểu Yến sẽ tiếp tục đưa nốt quãng đường còn lại.

Và giữa đêm, các anh chị vùng dậy để thực hiện hành trình ý nghĩa này. Kể lại câu chuyện sau chuyến đi, chị Lê Thị Nhung nói rằng: “Chiếc giường đắt nhất là giường bệnh. Nên chẳng ai muốn ở lại với nó, với những người Tây Bắc và với 1 đứa trẻ lại càng không. Ra viện 3 hôm, dịch bệnh ngày càng phức tạp, kinh tế không có… càng thôi thúc người ta muốn tìm cách về nhà.”

Câu chuyện về hành trình yêu thương của một chuyến xe
Chị Lê Thị Nhung và mẹ con chị Lò Thiết (ảnh nhân vật cung cấp)

Nếu như ngày thường chỉ mất 4 tiếng rưỡi để đi từ Hà Nội về Vân Hồ (Sơn La), thì chuyến đi ấy phải đi 7 tiếng. Chị Nhung kể, khi qua chốt thứ nhất, biết được đưa bệnh nhân về miễn phí, sau khi kiểm tra và khai báo y tế đầy đủ, các anh chị không ai bảo ai, mọi người đều nhẹ giọng nói: “Thôi em đi đi”.

Chốt tiếp theo có những yêu cầu khó khăn hơn, mặc dù không để Nhung đi qua, nhưng các cán bộ, chiến sỹ đều tạo điều kiện để chị có thời gian đáp ứng đầy đủ yêu cầu để “thông chốt”… Sáng sớm tinh mơ, có lẽ trên đường chỉ có xe Nhung di chuyển. Chốt thứ 3, “mọi người nghe tôi kể xong thì luôn miệng dặn dò đi cẩn thận và chúc lái xe an toàn”- Nhung nói.

“Thật hôm nay mà không có chị Hiểu Yến thì tôi cũng không biết làm sao. Lúc chị biết tôi lái một mình từ Bắc Ninh lên, chị đã tiếp sức cho tôi từ Vân Hồ – Mộc Châu – Sơn La vì sợ tôi vất vả. Thế là 2 chị em mỗi người 600km”, giọng Nhung hồ hởi.

Và tiếp đó là quãng đường lộn lại, có đi hướng nào thì vẫn phải đi qua chốt kiểm soát. “Tôi gặp chốt lại ở điểm Láng – Hoà Lạc. Lúc ấy tôi đã nghĩ phải tìm chỗ đỗ xe để ngủ 30 phút thôi. Đêm qua tôi không ngủ nên quá mệt rồi. Giờ mà không được đi thì phải quay đầu về Phú Thọ. Chắc 7 giờ tối mới về đến nhà” – Nhung kể.

“Sau khi biết tôi đi làm từ thiện, và mục đích là đi về Bắc Ninh nên anh cảnh sát đã cho tôi vào Đại lộ Thăng Long. Và cũng vì tôi có hộ khẩu Hà Nội nữa, lại vẫn còn kết quả test âm tính. Trước lúc đi anh còn bảo: “Nhóm em tuyệt vời đấy”. Nhờ có anh mà 15g30′ tôi đã về đến Bắc Ninh thay vì 19g. Chỉ biết cúi đầu cảm ơn anh”.

Đây có lẽ là chuyến đi mà bệnh nhân phải chuyển nhiều xe nhất. Tổng cộng 3 xe. Cũng là chuyến đi để lại nhiều cảm xúc nhất, không chỉ với bệnh nhân, không chỉ với niềm vui được san sẻ, mà còn là sự hãnh diện của sự đồng lòng.

“Với Nhóm những chuyến xe yêu thương, không có gì là không giải quyết được nếu chúng ta biết hợp sức lại. Hơn nữa, có đi, có trải nghiệm mới thấy cuộc sống có nhiều điều thân thương lắm, mình thực sự xúc động vì được sự động viên tinh thần từ các chiến sỹ và y bác sỹ tuyến đầu chống dịch” – chị Nhung bày tỏ.

Leave Comments

0856 286 222
0856286222